Tin tức
Vì sao doanh nghiệp khó tuyển lao động?
Chưa phân loại | July 4, 2024

Để thu hút lao động, doanh nghiệp cần cải thiện thu nhập và điều kiện làm việc

Từ đầu năm 2024, đơn hàng trở lại, nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương đã mở rộng, tăng chuyền để đáp ứng tiến độ sản xuất. Nhưng dù liên tục tuyển dụng qua nhiều kênh vẫn không đủ người.

Nhu cầu lớn

Tại TP HCM, theo khảo sát của phóng viên ở KCX Tân Thuận (quận 7), Khu Công nghệ cao (TP Thủ Đức), KCN Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), hiện không ít DN có nhu cầu tuyển dụng từ vài chục đến vài trăm lao động.

Công ty TNHH Furukawa Automotive chuyên sản xuất dây điện xe hơi (tại KCX Tân Thuận) đang cần tuyển 300 lao động phổ thông (LĐPT) làm theo ca. Ngoài môi trường làm việc sạch sẽ, có máy lạnh, công ty còn đưa ra mức thu nhập 8 – 10 triệu đồng/tháng và các chế độ phúc lợi như: mỗi năm điều chỉnh lương một lần, cơm trưa và cơm tăng ca miễn phí…

Công ty TNHH Sonion Việt Nam (Khu Công nghệ cao TP HCM) đang cần tuyển 500 LĐPT, độ tuổi từ 18 – 35, thu nhập 7 – 12 triệu đồng/tháng, có xe đưa rước, phụ cấp chuyên cần, thưởng năng suất… Việc tuyển dụng đã liên tục diễn ra trong 6 tháng qua nhưng đến nay vẫn không đủ người.

Tham gia ngày hội việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM tổ chức, Công ty TNHH San Hà (quận 8, TP HCM) có nhu cầu tuyển dụng 70 lao động ở nhiều vị trí, trong đó phần lớn là LĐPT làm việc tại nhà máy ở Long An, thu nhập từ 7 triệu đồng trở lên, kèm các phúc lợi hấp dẫn… Song cả buổi sáng, công ty nhận chưa đến 10 hồ sơ.

Đại diện công ty cho biết hiện người lao động (NLĐ) có xu hướng làm tự do, e ngại vào công ty vì không muốn gò bó khiến DN gặp khó trong tuyển dụng. Để giải quyết tình trạng khó tuyển LĐPT, công ty sẽ nhờ các đơn vị vệ tinh tuyển dụng trực tiếp tại các tỉnh. Còn với lao động đòi hỏi có trình độ chuyên môn sẽ thông qua các website tuyển dụng hoặc nội bộ giới thiệu.

Tương tự, tại tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến nay nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng LĐPT với số lượng khá lớn như Công ty TNHH Chutex (vốn đầu tư Singapore, KCN Sóng Thần 2, TP Dĩ An) cần tuyển 1.000 người; Công ty TNHH Yazaki EDS (TP Dĩ An) tuyển thêm 700 LĐPT nam và nữ với mức thu nhập từ 6,9 – 8,5 triệu đồng/tháng… Nhưng đến nay số lượng tuyển dụng vẫn chưa đủ.

Công nhân “né” chính sách

Bà Phan Thị Minh Thu – giám đốc một DN tại huyện Hóc Môn, TP HCM – cho biết từ cuối năm 2023, đơn hàng dồi dào trở lại nên công ty liên tục tuyển dụng lao động để tăng thêm chuyền may nhưng 6 tháng qua vẫn chưa đạt chỉ tiêu.

Để thu hút lao động, công ty cải thiện phúc lợi, điều kiện làm việc. Hiện mức thu nhập của hơn 360 NLĐ từ 7,5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Theo bà Phan Thị Minh Thu, thực tế số lượng người tìm việc làm không ít nhưng họ không muốn làm việc chính thức. Nhiều lao động đến ứng tuyển các vị trí công nhân may nhưng đưa ra yêu cầu chỉ làm thời vụ, không muốn ký hợp đồng lao động và tham gia BHXH do họ đang trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp 12 tháng và chờ rút BHXH một lần.

“Công ty đã tham gia chương trình Better Work, yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định về lao động nên không thể chấp nhận yêu cầu đó của NLĐ. Dù chúng tôi cố gắng thuyết phục họ bảo lưu các chế độ bảo hiểm để có việc làm ổn định nhưng không thành. Đây là một trong những rào cản khiến DN ngày càng khó tuyển LĐPT” – bà Thu lý giải.

Nhiều DN tại tỉnh Đồng Nai cũng gặp tình trạng tương tự. Công ty TNHH Hwaseung Vina (huyện Nhơn Trạch) đã có đơn hàng và liên tục tuyển LĐPT từ tháng 4-2024. Để thu hút lao động, DN đưa ra nhiều chế độ ưu đãi về tiền lương, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp khác… Thu nhập của NLĐ từ 6,7 – 10 triệu đồng/tháng (chỉ cần biết đọc, viết, sức khỏe tốt) nhưng đến nay vẫn chưa tuyển đủ người.

Đại diện DN cho biết việc tuyển mới LĐPT ngày càng khó khăn trong khi tình trạng công nhân nghỉ việc để rút BHXH một lần hoặc về quê lập nghiệp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu lao động tại công ty.

Ông Nguyễn Văn Hoạt – nhân viên tuyển dụng Công ty TNHH TM-DV Triệu An Phát (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), chuyên cung ứng LĐPT cho các DN tại Đồng Nai, TP HCM – cho biết hiện NLĐ chỉ có nhu cầu làm việc thời vụ, dù công việc bấp bênh nhưng không bị gò bó về thời gian nên nhiều người lựa chọn. “Nhiều người cho biết e ngại sự thay đổi của chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, vì vậy họ muốn hưởng hết chế độ rồi mới tìm việc làm chính thức” – ông Hoạt phân tích.

Theo nguồn http://nld.com.vn

Tin liên quan

AI nâng điện toán thông minh lên một tầm cao mới, chuyển hóa trải nghiệm máy tính PC theo cách thức mới Tại Triển lãm ICT thường niên lớn nhất thế giới COMPUTEX 2024 diễn ra mới đây tại Đài Loan (Trung Quốc), hầu hết các gian triển lãm của các tập đoàn công nghệ […]

Theo báo cáo cập nhật thị trường lao động trong 6 tháng đầu năm 2024 của Adecco Việt Nam, nhiều lĩnh vực như sản xuất và xuất khẩu đã có sự cải thiện với nhu cầu tuyển dụng tăng nhẹ ở mức 5% so với cùng kỳ năm ngoái.  Ngược lại, số lượng vị trí […]

(NLĐO) – Ban giám đốc Chi nhánh Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng có thiện chí trong việc hỗ trợ các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của người lao động sau khi doanh nghiệp ngưng hoạt động. Ngày 21-6, liên quan đến việc hơn 2.000 công nhân Chi nhánh Công […]

(NLĐO) – Theo khoản 1 Điều 86 Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất người lao động thuộc đối tượng sau đây tham gia bảo hiểm thất nghiệp. (i) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp […]

(NLĐO) – Theo tính toán của Bộ Tài chính. khi thực hiện đủ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết số 27 thì mức tăng tổng quỹ lương (không bao gồm tiền thưởng) của cán bộ, công chức, viên chức là 30,6%. Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ […]